Kế hoạch mưu sát Mao Trạch Đông Lâm_Bưu

Với mục tiêu nắm lấy quyền làm chủ đất nước, Lâm Bưu cùng vây cánh của mình đã xây dựng kế hoạch mang mã số 571 để mưu sát Mao Trạch Đông và đảo chính.

Được Phó thống soái Lâm Bưu hứa hẹn, kích động, những sĩ quan có trách nhiệm theo dõi chuyến thị sát phương nam của Mao Trạch Đông đã không rời mắt khỏi đường tàu cũng như những nơi Mao Trạch Đông dừng nghỉ. Họ thu thập tin tức mới nhất gởi về “bộ tư lệnh tối cao” của Lâm Bưu đang đặt tại một biệt thự ở Bắc Đới Hà. Qua đó, Lâm Bưu và phu nhân Diệp Quần, cùng con trai Lâm Lập Quả và các tham mưu lọc ra những điều cần thiết giúp họ đi đến các quyết định cơ mật của cuộc đảo chính và mưu sát Mao.

Trong Hội nghị Lư Sơn tháng 9/1970, Lâm Bưu cùng đồng đảng đã bí mật tiến hành các kế hoạch của mình với lộ trình là trước tiên là hoạt động trong bí mật sau đó sẽ thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ.

Trong thời gian này, Mao Trạch Đông đã tăng cường giáo dục tư tưởng với mong muốn giúp đỡ các cán bộ ở một số địa phương nâng cao nhận thức đối với mâu thuẫn đấu tranh chính trị, tăng cường sự đoàn kết nội bộ. Đồng thời hết sức giúp đỡ các cán bộ đã bị nêu ra trong Hội nghị Lư Sơn mà cụ thể ở đây là trường hợp của Lâm Bưu và Hoàng Vĩnh Thắng để họ có thể sửa chữa sai lầm.

Tuy nhiên sau khi Hội nghị Lư Sơn kết thúc, rất nhanh chóng Lâm Bưu đã bắt đầu kế hoạch sát hại Mao Trạch Đông và tiến hành các hoạt động đảo chính vũ trang phản cách mạng. Tháng 10/1970, một nhóm mang mật danh là “hạm đội liên hợp” chính thức được thành lập do Lâm Lập Quả (con trai của Lâm Bưu) làm Tư lệnh, Chu Vũ Trì làm Chính uỷ. Các thành viên nòng cốt của hạm đội được bí mật lựa chọn kỹ từ Bộ Tư lệnh Không quân, các Quân đoàn không quân ở Thượng Hải, Vũ Hán, Quảng Châu, Nam Kinh, Hàng Châu. Và đây sẽ là vũ khí chính để Lâm có thể sát hại Mao cũng như thực hiện các hoạt động chính biến vũ trang phản cách mạng của mình.

Trong công văn khởi tố tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu của viện kiểm sát nhân dân tối cao có đoạn ghi lại rằng: “ Tháng 2/1971, Lâm Bưu, Diệp Quần, Lâm Lập Quả bàn kín với nhau ở Tô Châu, và sau đó đã cử Lâm Lập Quả tới Thượng Hải để triệu tập các thành viên chủ yếu của “hạm đội liên hiệp” như Chu Vũ Trì, Vu Tân Dã, Lý Vỹ Tín...Từ ngày 21-24/3 chúng tiến hành xây dựng “ kế hoạch 571” – kế hoạch đảo chính vũ trang phản cách mạng.”

Ngày 31/3/1971 Lâm Lập Quả đã dựa vào “kế hoạch 571” xây dựng một kế hoạch khác dùng để chỉ huy quân đội đồng thời triệu tập các nhân vật: Giang Đằng Giao, Vương Vi Quốc, Trần Lệ Vân và Châu Kiến Bình,.. và bí mật họp bàn kế hoạch tại Thượng Hải. Theo kế hoạch thì Chu Kiến Quốc sẽ tiến hành thực hiện đảo chính ở Nam Kinh, ở Thượng Hải là Vương Vi Quốc, Trần Lệ Vân sẽ chịu trách nhiệm khu vực Hàng Châu còn Giang Đằng Giao thì giữ vai trò là sợi dây liên kết, phối hợp và hiệp đồng tác chiến của ba địa điểm để tạo thành một sức mạnh tổng hợp.

Trong quá trình thực hiện “kế hoạch 571”, Lâm Lập Quả luôn nhấn mạnh rằng: “Bằng mọi giá chúng ta phải lật đổ được B-52 (chỉ Mao Trạch Đông với mục đích bôi nhọ) và tạo đà tiến tới thực hiện đảo chính vũ trang”. Con trai của Lâm Bưu cũng chỉ ra rằng: “So với Cách mạng tháng 10 (Nga) thì lực lượng hiện tại của chúng ta không thua kém là bao nhiêu mà hơn nữa năng lực tác chiến không quân lại rất mạnh, nên nếu không quân thực hiện “kế hoạch 571” thì khả năng thành công và lấy được quyền lãnh đạo đất nước là nằm trong tầm tay.”

Trên thực tế tất cả những điều này đương thời Mao Trạch Đông đều không hề hay biết. Còn với Lâm Bưu và tập đoàn phản động của mình thì mục tiêu hàng đầu là cần phải mưu sát bằng được người đứng đầu nước Trung Hoa lúc bấy giờ để tạo đà tiến hành đảo chính vũ trang và đi tới nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Nhờ sự tiết lộ của Lâm Đậu Đậu, con gái của Lâm Bưu, Chu Ân Lai biết được dự định của Lâm Bưu nên đã ra lệnh kiểm soát gắt gao các sân bay, không cho phép bất cứ một phi cơ nào được cất cánh. Trong lúc đó, Lâm Bưu đang nghỉ tại Bắc Đới Hà trong vịnh Bắc Hải, cách xa Bắc Kinh khoảng hai trăm cây số. Lâm Bưu cảm thấy thất bại bèn quyết định trốn sang Liên xô.

Nửa đêm ngày 12-9-1971, một chiềc xe hơi sang trọng, cắm cờ đỏ tiến vào phi trường của hải quân tại Sơn Hải Quan trong vùng Bắc Đới Hà. Tại đây một chiếc phản lực cơ Trident do Anh Quốc chế tạo mang số 256 đang chờ sẵn. Lâm Lập Quả là người đầu tiên bước xuống xe và la to: “Lẹ lên!” Theo sau Lâm Lập Quả là Lâm Bưu và bà vợ Diệp Quần. Tất cả chạy vội lên chiếc phi cơ mang số 256. Chiếc Trident cất cánh ngay tức khắc, mặc dù không đủ phi hành đoàn và bất tuân lệnh ngăn chặn của giới chức quân sự tại phi trường. Thủ tướng Chu Ân Lai được tin Lâm Bưu chạy trốn và lập tức báo cáo cho Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông vẫn để mặc Lâm Bưu chạy trốn mà không ra lệnh đuổi bắt. Mao nói với Chu Ân Lai, “Trời có lúc đổ mưa. Vợ có lúc cải giá. Thôi, cứ để hắn đi!”

Máy bay Lâm Bưu thoát về hướng Tây Bắc nhưng vẫn bị các trạm radar dưới đất theo dõi “ra khỏi biên giới quốc gia lúc 2 giờ sáng, bay vào địa phận nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ, trên màn hình radar của ta mất mục tiêu. Đây là thời gian chúng ta lo lắng nhất. Chiều hôm đó đại sứ quán Trung Quốc tại Mông Cổ báo tin về một chiếc máy bay hàng không dân dụng chở khách bị rơi tại khu vực miền Đông Mông Cổ, trên máy bay có 8 nam một nữ, tất cả đều thiệt mạng, máy bay mang số hiệu 256”

Ở Bắc Kinh, gần sáng 13.9, đã có lệnh bắt giữ các thành viên trong tổ chức đối kháng của Lâm Bưu như: Hoàng Vĩnh Thắng (Tổng tham mưu trưởng Quân đội), Ngô Pháp Hiến (Tư lệnh Không quân), Lý Tác Bằng (Chính ủy Hải quân) giam lỏng tại Đại lễ đường - yêu cầu tất cả không ai được ra ngoài, không gọi điện thoại, chờ xử trí. Một số khác tìm cách trốn đi “Bộ Tư lệnh Không quân báo cáo: chiếc máy bay lên thẳng số 3685 bay khỏi sân bay Sa Hà, trên máy bay có Chu Vũ Trì (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Không quân), Vu Tân Dã, Lý Vĩ Tín, lái chính Trần Văn Tu, lái phụ Trần Sĩ Ấn. Trần Văn Tu không làm theo lệnh của các thành viên Hạm đội liên hợp, cho máy bay vòng lại, hạ cánh xuống một hẻm núi ở ngoại thành Bắc Kinh. Chu Vũ Trì nổ súng bắn chết Trần Văn Tu, Trần Sĩ Ấn nằm im vờ chết. Ba thành viên còn lại của Hạm đội liên hợp hẹn nhau cùng tự sát. Chu Vũ Trì và Vu Tân Dã chết ngay. Lý Vĩ Tín bắn chỉ thiên, bị bắt”.

Sáng sớm 13.9, Thủ tướng Chu Ân Lai thực hiện ủy thác của Mao Trạch Đông triệu tập Bộ chính trị thông báo việc Lâm Bưu chạy trốn và đích thân gọi điện tới lãnh đạo các đại quân khu, thành phố, khu tự trị, yêu cầu họ báo cáo tình hình, bố trí lực lượng đề phòng những biến cố đột phát. Chiều 14.9, Chu Ân Lai mặc áo trắng quần xám vào phòng 118 ở Đại lễ đường, trình Mao Trạch Đông báo cáo chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mông Cổ về “kết thúc bi thảm của nhà họ Lâm”.

Năm 1973, Lâm Bưu bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1981, ông bị Tòa án Tối cao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kết tội phản cách mạng.

Sinh thời Lâm Bưu được coi là một trong những tướng lĩnh xuất sắc nhất của Hồng quân Trung Quốc. Tuy nhiên theo sử gia Philip Short, một chuyên gia về Mao Trạch Đông thì Lâm Bưu không phải là một nhà chiến lược quân sự lỗi lạc và cũng không phải là một tên phản loạn như tuyên truyền[1]

Nghi vấn

Gia đình Lâm Bưu

Sự giải thích về cái chết của vợ chồng Lâm Bưu trong “Hồ Sơ Lâm Bưu” có nhiều điểm rất đáng nghi ngờ. Trước hết hồ sơ không đưa ra một bằng chứng cụ thể nào về tội tạo phản của Lâm Bưu. Tuy trong hồ sơ có những lời thú tội của các tướng thuộc hạ của Lâm Bưu, nhưng những lời thú tội hoặc tố cáo Lâm Bưu này có thể do sự tra khảo hoặc mua chuộc mà có. Hơn nữa lời buộc tội chỉ căn cứ vào những dự định của phe Lâm Bưu mà thôi.

Điều đáng ngạc nhiên là trong hồ sơ chỉ nói đến các hoạt động của Lâm Lập Quả và phe nhóm. Theo hồ sơ này thì Lâm Bưu dường như giao phó tất cả trách nhiệm đảo chánh và ám sát Mao Trạch Đông cho cậu con trai còn ít tuổi, không có kinh nghiệm về quân sự và chính trị. Đây là một điều trái hẳn với bản chất rất thận trọng cố hữu của Lâm Bưu. Lâm Bưu là một thiên tài về quân sự, và đặc tính của Lâm Bưu là chỉ ra quân khi đã nắm chắc phần thắng.

Một nghi vấn nữa là Lâm Bưu có vẻ chấp nhận chiến bại một cách quá dễ dàng. Việc Mao Trạch Đông trở về Bắc Kinh chưa phải là một sự hăm doạ cho Lâm Bưu. Theo hồ sơ thì Lâm Bưu còn có kế hoạch dùng Quảng Châu làm căn cứ chống lại Mao. Tại sao Lâm Bưu bỏ chạy trước khi thi hành kế hoạch này trong lúc chưa bị nguy hiểm?